Trên thực tế, vấn đề ly hôn tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc với nhiều quy trình thủ tục pháp lý phức tạp đăc biệt là ly hôn có yếu tố nước ngoài. Hiểu được những khó khăn đó, Luật Đại Đông Á sẽ tư vấn và giải đáp một số vướng mắc cụ thể sau đây
1. Cơ sở pháp lý quy định thủ tục ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài
Cơ sở pháp lý điều chỉnh thủ tục ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài là các văn bản pháp luật sau đây:
- Luật hôn nhân và gia đình 52/2014/QH13
- Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân gia đình
- Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
2. Đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài được hiểu như thế nào?
Trước hết ta cần hiểu thế nào là ly hôn đơn phương.
Ly hôn đơn phương là yêu cầu ly hôn từ một bên (vợ hoặc chồng) mong muốn Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ chồng ly hôn đang còn mâu thuẫn trong quyết định ly hôn hoặc chưa đi tới thỏa thuận thống nhất các vấn đề xoay quanh ly hôn như con cái, tài sản, công nợ.
Một trong hai bên vợ chồng không đồng ý ly hôn. Các vấn đề tài sản hoặc con cái chưa đi tới thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết thì vợ hoặc chồng tiến hành ly hôn đơn phương theo quy định pháp luật.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì các trường hợp sau được gọi là ly hôn có yếu tố nước ngoài:
- Một bên là công dân Việt Nam và một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Các bên là người nước ngoài nhưng sinh sống tại Việt Nam;
- Người Việt Nam với nhau nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Như vậy, ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài là yêu cầu từ một bên (trong đó có vợ hoặc chồng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài nhưng sinh sống tại Việt Nam; người Việt Nam với nhau nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài) mong muốn Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ chồng ly hôn đang còn mâu thuẫn trong quyết định ly hôn hoặc chưa đi tới thỏa thuận thống nhất các vấn đề xoay quanh ly hôn như con cái, tài sản, công nợ.
3. Toà án nào có thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.
- Về thẩm quyền theo cấp Tòa án: Căn cứ Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo cấp những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài (có một bên ở nước ngoài hoặc tài sản ở nước ngoài) thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân cấp Tỉnh giải quyết.
- Về thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ: Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình được xác định là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Trường hợp bị đơn không có nơi cư trú, làm việc thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.
- Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nếu việc ly hôn diễn ra với công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện
4. Trình tự, thủ tục giải quyết đơn phương ly hôn có yếu tố nước ngoài
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết đơn phương ly hôn
Để thực hiện thủ tục này, người yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương cần chuẩn bị bộ hồ sơ như sau:
- Đơn khởi kiện ly hôn (theo mẫu)
- Chứng nhận kết hôn bản chính
- Giấy Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu của cả hai vợ chồng (sao y bản chính)
- Sổ hộ khẩu (sao y bản chính)
- Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung)
- Giấy tờ chứng minh về tài sản (sổ đỏ, giấy đăng ký xe,…)
Vì thẩm quyền giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi một bên cư trú ở Việt Nam.
Do đó, bạn ở Việt Nam thì cần nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú.
Bạn phải ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của vợ bạn ở nước ngoài trong đơn khởi kiện kèm theo giấy tờ, tài liệu xác thực họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của vợ bạn.
Bước 2: Tiếp nhận và xem xét hồ sơ và thụ lý vụ án
Cán bộ Tòa án tiếp nhận đơn và Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán để xem xét hồ sơ.
Tòa án thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án và thu thập chứng cứ ở nước ngoài.
Nếu đủ điều kiện thụ lý vụ án thì Tòa án phải gửi thông báo thụ lý vụ án, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (sau đây gọi chung là phiên họp hòa giải), mở lại phiên họp hòa giải, mở phiên tòa và mở lại phiên tòa trong văn bản thông báo thụ lý vụ án cho đương sự ở nước ngoài.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết xem xét hồ sơ, tiến hành để các bên giao nộp chứng cứ và thực hiện thủ tục hòa giải.
Điểm a khoản 2 Điều 476 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
Phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên họp hòa giải (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp hòa giải chậm nhất là 01 tháng.
Có thể thấy, việc giao nộp chứng cứ và hòa giải là thủ tục quan trọng mà Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm tiến hành để nắm bắt rõ hơn tranh chấp đó.
Theo quy định nêu trên thì phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 06 tháng và muộn nhất là 08 tháng từ ngày thụ lý vụ án.
Trường hợp phiên hòa giải lần thứ nhất không tiến hành được hoặc không hòa giải được mà phải tổ chức phiên hòa giải lần thứ hai thì phiên hòa giải lần thứ hai được ấn định cách lần thứ nhất không quá 01 tháng.
Bước 4: Mở phiên tòa giải quyết đơn phương ly hôn
Điểm b khoản 2 Điều 476 Bộ luật này quy định về thời gian mở phiên tòa giải quyết đơn phương ly hôn như sau:
Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 477 của Bộ luật này.
Như vậy, xem xét tổng thể, thời gian giải quyết vụ án đơn phương ly hôn với người nước ngoài khoảng 09 tháng đến 12 tháng kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án.
5. Án phí khi đơn phương ly hôn với người nước ngoài
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, trong đó quy định tiền án phí giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình (đơn phương ly hôn) là 300.000 đồng và lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là 200.000 đồng.
Trường hợp có tranh chấp về tài sản có giá trị trên 6.000.000 đồng thì án phí chia tài sản tính trên tỷ lệ phần trăm tài sản có tranh chấp theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH.
Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á (BEALAW) về ” Thủ tục giải quyết Ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài theo quy định pháp luật như thế nào?” theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn bất kỳ vướng mắc hoặc cần hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ ngay 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí.