Bốc bát họ là gì? Cho vay bốc bát họ có phạm luật?

Trong đời sống hàng ngày, ít nhiều chúng ta vẫn nghe thấy cụm từ “bốc bát họ”, thực chất đó là một hình thức cho vay, hỗ trợ tài chính  khá phổ biến hiện nay. Nó thường nhằm vào những người có hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu về tiền bạc, có nhu cầu vay nhanh nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu vay của ngân hàng. Hình thức vay này nhanh chóng, không có thủ tục rườm rà hay tài sản bảo đảm, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất thường rất cao.

Vậy điều kiện tham gia như thế nào? Pháp luật có chế tài nào với loại hình cho vay bốc bát họ này?

Điều kiện tham gia bốc bát họ

Tham gia bốc bát họ khá đơn giản, người vay giao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/sổ hộ khẩu hoặc các giấy tờ, tài sản khác mà bên cho vay chấp nhận, hai bên ký tên vào một văn bản ghi nợ và người vay sẽ được nhận tiền.

Tùy theo từng địa phương, vùng miền mà hình thức cho vay bốc bát họ có những biến tướng khác nhau, trong đó có thể kể đến hình thức “vay mười, cầm tám, trả đầy đủ”

Ví dụ: 

– Cho vay 20 triệu thì người vay được cầm 16 triệu. Thời hạn vay là 50 ngày, mỗi ngày người vay phải trả 400 ngàn đồng (bao gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi).

– Cho vay 30 triệu thì người vay được cầm về 24 triệu. Thời hạn vay là 50 ngày, mỗi ngày người vay phải trả 600 ngàn đồng (bao gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi).

Như vậy, người vay bốc bát họ phải chịu lãi suất rất cao so với quy định tại Bộ luật dân sự (tối đa 20%năm).

Chế tài với hành vi cho vay bốc bát họ

Hình thức cho vay bốc bát họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức xử phạt vi phạm hành chính

Trường hợp người cho vay không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (theo điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

Lưu ý: Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) 

Có thể bị xử lý về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

– Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm với hành vi:

+ Cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức quy định của Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.

+ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với hành vi thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên.

– Hình thức xử phạt bổ sung gồm: phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Những rủi ro thường mắc phải khi vay bát họ

Bốc bát họ là một trong những hình thức cho vay với lãi suất cao cắt cổ. Vậy nên khi người vay tiền bằng hình thức này sẽ gặp rất nhiều rủi ro lớn. Sở dĩ, thời gian cho vay ngắn cũng như lãi suất theo ngày thì quá cao đã khiến cho nhiều người rơi vào trong tình trạng không có khả năng để chi trả, theo thời gian lãi mẹ để lãi con. Dẫn đến tình trạng bị siết nợ, đe doạ, rất dễ gây ra những hậu quả khôn lường.

Chính vì vậy, người vay phải tính đến khả năng trả nợ và mức độ cần thiết của việc vay tiền trước khi đưa ra quyết định vay theo hình thức bốc bát họ và hải cân nhắc thật kĩ trước khi tham gia vào hình thức cho vay này.

Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á (BEALAW) về: Bốc bát họ là gì? Cho vay bốc bát họ có phạm luật? theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hồ trợ pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *