Hướng tới mục tiêu: 100% sàn thương mại điện tử lớn cam kết không bán hàng giả

Kể từ sau đại dịch Covid-19, số lượng người mua hàng online (trực tuyến) ngày một nhiều. Nắm bắt cơ hội đó, rất nhiều shop bán hàng online mọc lên, thị trường thương mại điện tử diễn ra ngày càng sôi động, hiệu quả.

Việc mua hàng online vô cùng tiện lợi nhưng cũng gây khó khăn cho việc quản lý chất lượng. Nhiều người lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm thu lợi bất chính. Nhận thấy thực trạng này, ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 319/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Đề án nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể:

– Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử;

– 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả;

– 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh;

– 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình…

Để đạt được mục tiêu, Đề án đặt ra các giải pháp như:

Thứ nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử và kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu liên quan của các lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành.

Thứ hai, xây dựng hệ thống giám sát, thu thập dữ liệu về giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội để bổ sung nguồn dữ liệu đầu vào cho cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Thứ ba, tăng cường hoạt động phối hợp, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử…

Nếu Đề án này được triển khai thực hiện hiệu quả thì đây quả là tin vui cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Rất mong dưới sự can thiệp của các nhà chức trách, quyền lợi của người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí.
LUẬT ĐẠI ĐÔNG Á (BEALAW) – GIẢI PHÁP PHÁP LÝ HIỆU QUẢ!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *