Các mức xử phạt vi phạm trong xuất khẩu lao động ra nước ngoài

Hoạt động xuất khẩu lao động ra nước ngoài hiện nay đang diễn ra ngày càng nhiều, tuy nhiên không phải bất kỳ doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng nào cũng hoạt động đúng theo các quy định của pháp luật. Chính vì thế nhằm có các biện pháp xử lý, răn đe để từ đó hoạt động xuất khẩu lao động đi nước ngoài được thực hiện đúng theo các quy định thì các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt với các mức xử phạt được quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Mức xử phạt đối với các hành vi xuất khẩu lao động nhưng không có điều kiện hoạt động

Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm điều kiện hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ):

– Bị phạt tiền với mức từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng nếu:

+ Không thực hiện việc công bố công khai Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

+ Không báo cáo về việc có sự thay đổi người lãnh đạo điều hành trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp theo quy định;

+ Không thực hiện việc niêm yết công khai bản sao Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, quyết định giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ tại trụ sở chi nhánh.

– Bị phạt tiền với mức từ 20.000.000 đồng – 40.000.000 đồng nếu có các hành vi sau:

+ Doanh nghiệp dịch vụ sử dụng người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không có trình độ từ đại học trở lên,

+ Sử dụng người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không đủ 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế. Đồng thời còn bị đình chỉ hoạt động từ 04 – 06 tháng;

+ Không tiến hành thông báo việc bàn giao các nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.

– Bị phạt tiền với mức từ 50.000.000 đồng – 70.000.000 đồng nếu sau khi được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện các phương án sau:

+ Phương án tổ chức bộ máy chuyên trách nhằm mục đích bồi dưỡng các kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

+ Phương án tổ chức của bộ máy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.

– Bị phạt tiền với mức từ 150.000.000 đồng – 180.000.000 đồng nếu:

+ Sau khi nhận được thông báo về việc không đổi được Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đang trong thời gian bị đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện hợp đồng cung ứng lao động; bị đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn mà đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài. Doanh nghiệp dịch vụ ngoài việc nộp phạt sẽ bị đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian từ 04 – 06 tháng và phải trả lại các khoản tiền đã thu, tiền lãi tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động;

+ Giao nhiệm vụ cho các chi nhánh mà không đúng theo quy định của pháp luật hoặc cho từ 03 chi nhánh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc chi nhánh có các hành vi thực hiện nhiệm vụ không đúng với quy định của pháp luật hoặc các hành vi vượt quá phạm vi nhiệm vụ được giao về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời sẽ bị đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian từ 01 tháng – 03 tháng. 

– Bị phạt tiền với mức từ 180.000.000 đồng – 200.000.000 đồng nếu:

+ Doanh nghiệp dịch vụ để người từng là quản lý của một doanh nghiệp dịch vụ khác mà doanh nghiệp đó bị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc là người đang bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên vì vi phạm các quy định của pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài điều hành hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; để cho các cá nhân, tổ chức khác sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp mình để thực hiện hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra sẽ bị đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian từ 04 – 06 tháng;

+ Sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ khác để tiến hành việc tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. 

2. Mức xử phạt đối với các hành vi về bồi dưỡng, đào tạo cho lao động

Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định về bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động:

– Các doanh nghiệp, tổ chức sẽ bị phạt tiền với mức từ 2.000.000 đồng – 5.000.000 đồng nếu:

+ Không cung cấp các tài liệu bồi dưỡng về những kiến thức cần thiết cho người lao động theo quy định;

+ Không thực hiện việc đăng ký mẫu của chứng chỉ bồi dưỡng các kiến thức cần thiết cấp cho người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định;

+ Biên soạn không đầy đủ các tài liệu để bồi dưỡng những kiến thức cần thiết cho người lao động theo quy định.

– Các doanh nghiệp, tổ chức sẽ bị phạt tiền với mức từ 20.000.000 đồng – 40.000.000 đồng nếu:

+ Việc kiểm tra, cấp chứng chỉ cho những người lao động sau khi họ hoàn thành khóa bồi dưỡng những kiến thức cần thiết không được thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không đầy đủ;

+ Không thực hiện đầy đủ về việc bồi dưỡng những kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi họ đi làm việc ở nước ngoài theo quy định. 

– Doanh nghiệp dịch vụ sẽ bị phạt tiền với mức từ 80.000.000 đồng – 100.000.000 đồng nếu: không bồi dưỡng; không tổ chức hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện việc bồi dưỡng ngoại ngữ, các kỹ năng nghề, kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các yêu cầu của hợp đồng cung ứng lao động. Hình thức xử phạt bổ sung là bồi dưỡng những kiến thức cần thiết, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động hoặc hoàn trả lại các khoản tiền đào tạo mà doanh nghiệp đã thu của người lao động (nếu có). Đồng thời sẽ bị đình chỉ việc thực hiện hợp đồng cung ứng lao động từ 03 tháng – 06 tháng hoặc từ 06 tháng – 12 tháng nếu tái phạm.

3. Mức xử phạt đối với các hành vi đăng ký HĐLĐ, không báo cáo

Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký hợp đồng, báo cáo việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

– Bị phạt tiền với mức từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng nếu không thực hiện việc báo cáo theo định kỳ, đột xuất hoặc báo cáo với nội dung không trung thực về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

– Đối với hành vi đưa vượt quá số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài so với số lượng đã đăng ký theo Hợp đồng cung ứng lao động hoặc Hợp đồng nhận lao động thực tập đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì sẽ bị phạt tiền theo một trong các mức như sau:

+ Đưa vượt quá số lượng đăng ký từ 01- 10 người: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng – 40.000.000 đồng;

+ Đưa vượt quá số lượng đăng ký từ 11- 50 người: bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng – 100.000.000 đồng;

+ Đưa vượt quá số lượng từ 50 người trở lên: bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng – 180.000.000 đồng. 

– Doanh nghiệp nhận thầu, trúng thầu, cá nhân, tổ chức đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc nhưng không tiến hành báo cáo hoặc có báo cáo nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì sẽ bị phạt với mức tiền từ 75.000.000 đồng – 90.000.000 đồng. Đồng thời bị đình chỉ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian từ 06 tháng – 12 tháng. 

– Bị phạt tiền với mức tiền từ 150.000.000 đồng – 180.000.000 đồng nếu không đăng ký các Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng nhận lao động thực tập hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận khi đăng ký mà đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Hành vi này cũng sẽ bị đình chỉ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian từ 06 tháng – 12 tháng. 

4. Xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng

– Doanh nghiệp dịch vụ sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng – 40.000.000 đồng nếu:

+ Không có cam kết về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động đã trúng tuyển;

+ Không tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương về việc thông báo công khai hoặc không cung cấp đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện khác của hợp đồng theo quy định khi tiến hành tuyển chọn lao động tại địa phương;

+ Không trực tiếp thực hiện việc tuyển chọn lao động.

– Các doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng – 80.000.000 đồng và bị đình chỉ việc thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động trong thời gian từ 01 tháng – 03 tháng nếu:

+ Trong hợp đồng với người lao động không ghi rõ các chi phí mà người lao động phải đóng theo quy định;

+ Nội dung, điều khoản của Hợp đồng lao động, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Hợp đồng đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài không phù hợp với các nội dung trong Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng nhận lao động thực tập đã đăng ký;

+ Không thực hiện việc thanh lý hoặc thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không đúng quy định;

+ Không giao kết hợp đồng với người lao động khi đưa họ đi nước ngoài làm việc; 

+ Các nội dung, điều khoản trong Hợp đồng lao động, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu, tổ chức đầu tư ra nước ngoài với người lao động không phù hợp với các nội dung trong báo cáo đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.

5. Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng liên quan khác

– Bị áp dụng mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 5.000.000 đồng nếu người lao động không thực hiện việc đăng ký hợp đồng cá nhân với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

– Bị áp dụng mức phạt tiền từ 80.000.000 đồng – 100.000.000 đồng và buộc phải về nước nếu:

+ Tự ý bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng (trừ trường hợp bị cưỡng bức lao động);

+ Sau khi hết hạn hợp đồng lao động nhưng không về nước mà ở lại nước ngoài trái phép;

+ Không đến nơi làm việc theo hợp đồng sau khi đã nhập cảnh tại nước tiếp nhận lao động.

Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á về: “Các mức xử phạt vi phạm trong xuất khẩu lao động ra nước ngoài“ theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay Luật sư tư vấn miễn phí. Luật sư chuyên nghiệp, tư vấn miễn phí – 0941.776.999 hoặc 0888.695.000

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *