Phân tích đặc điểm của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Pháp luật Cạnh tranh Việt Nam

I. Căn cứ pháp lý

Luật cạnh tranh 2018

II. Nội dung tư vấn

1) Khái niệm

Căn cứ Khoản 4 Điều 3 Luật cạnh tranh 2018 quy định như sau “Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”.

2) Đặc điểm

Thứ nhất, chủ thể tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh là các doanh nghiệp hoạt động độc lập.

Các doanh nghiệp tham gia thoả thuận phải hoạt động độc lập với nhau và hoàn toàn không phụ thuộc nhau về tài chính. Những hành động thống nhất của các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong một công ty không được pháp luật cạnh tranh coi là thoả thuận bởi thực chất các công ty nói trên cho dù bao gồm nhiều thành viên hạch toán phụ thuộc cũng chỉ là một chủ thể thống nhất. 

Mặt khác, ý chí của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận phải là ý chí độc lập của riêng doanh nghiệp mà không phụ thuộc và không chịu sự tác động của bất kì ai, nếu một doanh nghiệp bị ép buộc thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh như công ty mẹ hay tập đoàn ra quyết định bắt công ty con phải thi hành thì đây không được coi là thoả thuận hạn chế cạnh tranh. 

Thứ hai, thoả thuận hạn chế cạnh tranh chỉ được hình thành khi có sự thống nhất về ý chí của các bên tham gia thoả thuận. 

Dấu hiệu quan trọng nhất của thoả thuận hạn chế cạnh là có sự thống nhất ý chí cùng hành động của các bên tham gia thoả thuận để gây hạn chế cạnh tranh

Để xác định hành vi hoặc tập hợp các hành vi của nhóm doanh nghiệp độc lập cấu thành thoả thuận hạn chế cạnh tranh, cơ quan có thẩm quyền phải có đủ bằng chứng kết luận giữa họ đã tồn tại thoả thuận chính thức bằng văn bản hay đã có cam kết đáp ứng yêu cầu của các bên tham gia mà không thể hiện bằng văn bản. 

Khi các doanh nghiệp có sự thống nhất cùng thực hiện các hành động gây kìm hãm, bóp méo hoặc hạn chế cạnh tranh trên thị trường hàng hoá hoặc dịch vụ một cách trực tiếp hay gián tiếp thì đã có nguy cơ gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường và hành vi đó có thể bị cấm mà không cần xem xét thoả thuận đó đã được thực hiện chưa, đã gây thiệt hại như thế nào cho thị trường.

Thứ ba, hậu quả của thoả thuận hạn chế cạnh tranh là gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường.

Các doanh nghiệp khi tham gia thoả thuận sẽ hình thành một nhóm doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh đáng kể và bằng việc thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, các doanh nghiệp tham gia có thể gây thiệt hại cho khách hàng khi đặt ra các điều kiện giao dịch bất lợi cho họ hoặc gây thiệt hại cho các doanh nghiệp không tham gia thoả thuận. Đồng thời xoá bỏ cạnh tranh giữa những doanh nghiệp tham gia. Khi thoả thuận được kí kết, các doanh nghiệp đang từ đối thủ cạnh tranh của nhau sẽ không còn cạnh tranh với nhau nữa.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của công ty Luật Bealaw về “đặc điểm của hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh”

Nếu còn bất cứ vướng mắc nào, Quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 0888.695.000 hoặc 0941.776.999 để được tư vấn và giải đáp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *