Phân biệt cổ phiếu và trái phiếu theo quy định của pháp luật

Quý khách muốn tìm hiểu về vấn đề: Phân biệt cổ phiếu và trái phiếu theo quy định của pháp luật vui lòng tham khảo bài viết dưới đây hoặc liên hệ theo số điện thoại 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí và hỗ trợ các thủ tục pháp lý một cách nhanh nhất.

  1. Cổ phiếu là gì? Ai có thể phát hành cổ phiếu?

Theo quy định tại khoản 2, điều 4 Luật Chứng khoán 2019: “ Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành”.

Khoản 1, điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó”.

Như vậy có thể hiểu cổ phiếu là một loại chứng khoán do tổ chức phát hành để xác nhận quyền sở hữu đối với một số cổ phần của tổ chức đó. Người sở hữu cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông của công ty cổ phần và tùy thuộc vào loại cổ phần họ nắm giữ, họ có những quyền khác nhau trong công ty. Người sở hữu cổ phiếu của công ty cổ phần được chia lợi nhuận (hay còn gọi là cổ tức), tuy nhiên lợi nhuận này không ổn định mà phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Họ có quyền tham gia vào việc quản lý và điều hành hoạt động của công ty, tham gia biểu quyết các  vấn đề của công ty, trừ cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại không được dự họp Đại hội đồng cổ đông và biểu quyết các vấn đề của công ty.

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chỉ có công ty cổ phần (bao gồm cả doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty công ty cổ phần mới thành lập) mới được phép phát hành cổ phiếu.

2. Trái phiếu là gì? Ai có thể phát hành trái phiếu?

Khoản 3 điều 4, Luật Chứng khoán 2019 quy định: Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

Như vậy, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành với người nắm giữ trái phiếu. Người sở hữu trái phiếu (hay còn được gọi là trái chủ) sẽ được chi trả một khoản tỷ lệ lợi suất nhất định và hoàn toàn không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đó. Người sở hữu trái phiếu không phải là thành viên hay cổ đông của công ty, họ trở thành chủ nợ của công ty, được công ty phát hành trả lãi định kì, lãi suất ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh. Đáng chú ý, có một thời hạn nhất định được ghi trong trái phiếu.

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 153 /2020/NĐ-CP quy định về đối tượng phát hành trái phiếu. Theo đó, “Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam”.

Như vậy, có hai loại hình doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu đó là công ty cổ phần và công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ và Chính quyền địa phương cũng có thể phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án và nhu cầu chi tiêu của Chính phủ và Chính quyền địa phương.

3. Phân biệt cổ phiếu và trái phiếu

Nhìn chung, cổ phiếu và trái phiếu đều là những loại chứng khoán được nhà phát hành tung ra để thu hút vốn. Cổ phiếu và trái phiếu có thể được thể hiện dưới nhiều loại hình thức như chứng chủ, dữ liệu điện tử, hoặc bút toán ghi sổ. Ngoài ra, nhà đầu tư được phép chuyển nhượng, mua bán và cầm cố đối với cả trái phiếu lẫn cổ phiếu. Tuy nhiên, về mặt bản chất hai loại chứng khoán này lại có nhiều điểm khác biệt như sau:

Tiêu chí Cổ phiếu Trái phiếu
Bản chất Là loại chứng khoán nhằm xác nhận quyền sở hữu đối với cổ phần của của công ty Là loại chứng chỉ ghi nhận nợ đơn vị phát hành, quyền được sở hữu đối với một phần vốn vay của trái chủ
Chủ thể phát hành Công ty cổ phần Chính phủ, doanh nghiệp (công ty cổ phần và công ty TNHH)
Tư cách chủ sở hữu Cổ đông Chủ nợ
Quyền của chủ sở hữu – Cổ đông được chia lợi nhuận (cổ tức) phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty.
– Các cổ đông có quyền lợi tham gia biểu quyết các vấn đề của doanh nghiệp, bao gồm cả việc quản lý và hoạt động của doanh nghiệp
Trái chủ sẽ được chi trả lãi suất ổn định theo định kì và không phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời gian đáo hạn Không có thời gian đáo hạn Trong khoảng thời gian nhất định (có ghi trong trái phiếu)
Kết quả của việc phát hành Tăng vốn điều lệ của công ty và làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu Làm tăng vốn vay, nghĩa vụ trả nợ của công ty nhưng không làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu.
Lợi nhuận Độ rủi ro cao nhưng lợi nhuận lớn: giá trị cổ tức phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp: Doanh nghiệp hoạt động có lãi thì cổ đông được chia lợi tức và ngược lại. Độ rủi ro thấp hơn do nghĩa vụ nợ phải trả (gốc và lãi trái phiếu) là cố định; nhưng lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu thường thấp hơn so với đầu tư cổ phiếu.  
Vấn đề trách nhiệm Cổ đông phải có trách nhiệm với khoản nợ của doanh nghiệp theo tỷ lệ tương ứng với số vốn mà họ đóng góp vào doanh nghiệp đó. Trái chủ không phải chịu bất kì trách nhiệm nào đối với các khoản nợ của doanh nghiệp.
Thứ tự ưu tiên thanh toán khi doanh nghiệp giải thể Sau khi doanh nghiệp đã thanh toán hết tất cả cả các khoản nợ, cổ đông mới được thanh toán khoản vốn mà họ đã góp vào doanh nghiệp. Trái phiếu là một khoản nợ nên sẽ được ưu tiên thanh toán trước cổ phiếu.

Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á (BEALAW) về: Phân biệt cổ phiếu và trái phiếu theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hồ trợ pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay 0941.776.999hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí. 

Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý tận tâm; nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, Luật Đại Đông Á (BEALAW) tự tin có thể giải đáp các vấn đề DÂN SỰ, HÌNH SỰ, HÔN NHÂN GIA ĐÌNH, LAO ĐỘNG, KINH DOANH THƯƠNG MẠI và các vấn đề pháp lý khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *