Ai phải chịu trách nhiệm trong vụ cháy chung cư mini?

“Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra khoảng 23h22 ngày 12/9, tại nhà dân ở ngõ 29/70, phố Khương Hạ. Nơi xảy ra cháy là căn nhà 9 tầng, một tum, có nhiều người mắc kẹt bên trong. Đến 0h15 cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt, các lực lượng đã thực hiện cứu nạn thành công trên 70 người, đưa đi cấp cứu 54 người. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã xác định được 56 người tử vong và 37 người bị thương (trong đó, đã xác định được danh tính của 39/56 người tử vong).”

Có lẽ đây là vụ cháy với con số thương vong lớn nhất từ trước đến nay, ai cũng bàng hoàng, xót xa, thương cho những nạn nhân xấu số. Trước những thiệt hại về người và vật chất sau vụ cháy chung cư mini Quận Thanh Xuân, Bí thư Thành uỷ đã chỉ đạo UBND Thành phố, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các sở, ngành liên quan và quận Thanh Xuân phối hợp hỗ trợ ở mức cao nhất đối với những trường hợp nạn nhân, hỗ trợ tạm cư cho các trường hợp thoát nạn. Nguồn hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách, xã hội hóa, và nguồn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Bước đầu, đối với các trường hợp tử vong, Thành phố hỗ trợ 37 triệu đồng/người thiệt mạng và 12,4 triệu đồng/người bị thương. Riêng đối với trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố hỗ trợ thêm: 5 triệu đồng/trẻ bị thiệt mạng và 10 triệu đồng/trẻ bị thương phải điều trị tại bệnh viện. Hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác của Thành phố, quận, phường và tổ chức đoàn thể – xã hội. Bên cạnh đó, nhiều người đã đứng ra kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những nạn nhân xấu số cũng như những người dân sinh sống tại toà nhà này để sớm ổn định cuộc sống.

Và câu hỏi dư luận đặt ra: Những ai phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ cháy này?

Ngày 13/9, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (SN 1979, hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội về tội Vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự.

Nghiêm Quang Minh là chủ của chung cư mini tại phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân)

Vi phạm quy định về PCCC là tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, cháy nổ còn có thể gây ra thiệt hại về người và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Căn cứ theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, các trường hợp cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép về PCCC bao gồm:

1. Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

2. Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 100 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích 3.000 m3 trở lên; trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; trường cao đẳng, đại học, học viện, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

4. Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 3.000 m3 trở lên.

5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc có từ 300 chỗ ngồi trở lên; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên.

Như vậy, theo quy định trên, nếu chung cư mini cho thuê cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên, chủ sở hữu chung cư đó phải xin giấy phép PCCC.

Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã xác định chủ chung cư không thực hiện việc xin cấp phép PCCC và cũng không có phương án phòng chống cháy nổ để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho những người đang ở trong chung cư. Do đó, hậu quả xảy ra đến đâu, chủ chung cư phải chịu trách nhiệm tương ứng theo quy định của pháp luật.

   Xét hành vi của chủ chung cư đã không thực hiện những quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy nên khi xảy ra cháy đã không có phương án cứu chữa kịp thời. Hậu quả làm cho 56 người tử vong, 37 người bị thương và thiệt hại về tài sản (sẽ được cơ quan chuyên môn định giá thiệt hại) thì chủ chung cư đã phạm Tội vi phạm quy định về PCCC. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 3 Điều 313 BLHS (khung hình phạt tù từ 7 năm đến 12 năm).

Ngoài ra, chủ chung cư này còn phải có trách nhiệm bồi thường cho các gia đình nạn nhân về tính mạng và tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Ngoài chủ chung cư mini đã bị bắt, cơ quan chức năng cần xem xét dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của cơ quan quản lý ở địa phương.

Các cơ quan chức năng cần làm rõ dấu hiệu sai phạm (nếu có) trong việc cấp phép tạm trú cho toàn bộ những người lưu trú trong chung cư. Với số lượng 150 người cư trú ở chung cư diện tích 200m2 thì có vượt quá mức quy định không?

Ngoài ra, phải làm rõ tại khu vực có chung cư đó, những ai chịu trách nhiệm về các lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, quản lý trật tự xây dựng. Họ có thường xuyên kiểm tra định kỳ, rà soát để phát hiện, xử lý vi phạm trước khi xảy ra sự cố hay không?

Để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm của ai, đến đâu có thể sẽ được cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *