BẢN SAO Y CHỈ CÓ HIỆU LỰC TRONG 06 THÁNG, ĐÚNG HAY SAI?

Hỏi: Một số cơ quan, tổ chức yêu cầu cá nhân nộp bản sao y được chứng thực trong thời hạn 06 tháng, vậy bản sao y là gì? Muốn chứng thực bản sao y thì cần đến cơ quan nào? Có phải bản sao y chỉ có hiệu lực trong 06 tháng hay không?

Trả lời:

1. Bản sao y là gì?

Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/03/2020 của Chính phủ về công tác thư: “Bản sao y” là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của bản gốc hoặc bản chính văn bản, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ, “Bản chính” là những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều 18 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định những giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính gồm:

– Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

– Bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

2. Ai có thẩm quyền chứng thực bản sao?

Theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính bao gồm:

– Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Phòng Tư pháp): Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;

– Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã): Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;

– Công chứng viên: Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận (và ký chứng thực và đóng dấu của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng)

Như vậy, chị cần chứng thực bản sao thì tùy vào từng loại giấy tờ, chị có thể đến Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân xã hoặc Phòng công chứng, Văn phòng công chứng.

3. Hiệu lực của bản sao y

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:

“2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Căn cứ vào quy định trên, ta thấy pháp luật hiện hành không có quy định hạn chế thời hạn sử dụng của bản sao đã được chứng thực, do vậy quan điểm bản sao y chỉ có hiệu lực 06 tháng là chưa chính xác. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, giá trị pháp lý của bản sao y phụ thuộc vào giá trị pháp lý của bản chính xác loại giấy tờ, cụ thể:

– Bản sao y có giá trị pháp lý vô hạn: đối với bản sao y các loại giấy tờ có giá trị vô hạn (giấy khai sinh, bằng tốt nghiệp,…).

– Bản sao y có giá trị pháp lý hữu hạn: đối với bản sao y các loại giấy tờ có xác định thời hạn (chứng minh nhân dân/căn cước công dân, chứng chỉ tiếng Anh/tin học…) thì Bản sao chỉ có giá trị pháp lý khi bản gốc còn giá trị.

Như vậy, trên đây là những giải đáp của Công ty Luật Bealaw đối với những thắc mắc của khách hàng về bản sao ý và một số vấn đề pháp lý liên quan. Trường hợp khách hàng có thắc mắc khác cần được giải đáp, vui lòng liên hệ:

Hotline: 0941.776.999 hoặc 0888.695.000

bealaw@gmail.com

Website: www.bealaw.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *