BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ SỨC KHỎE.

Khi sức khỏe, tính mạng của một người bị xâm phạm, thiệt hại được xác định gồm thiệt hại về vật chất và những tổn thất về tinh thần. Trong trường hợp bị xâm phạm quyền nhân thân về mặt sức khỏe thì chúng ta nên làm như thế nào và việc xâm phạm quyền này sẽ được bồi thường ra sao?

Căn cứ theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015:

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Thiệt hại về vật chất là những thiệt hại có thể đo lường dựa trên thực tế bao gồm các loại thiệt hại được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự. về nguyên tắc, chỉ những thiệt hại thực tế mới được bồi thường, nên khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại phải đưa ra bằng chứng để chứng minh các thiệt hại thực tế đã phát sinh. Việc chứng minh trên thực tế có thể sẽ rất đơn giản đối với một số loại thiệt hại cụ thể, ví dụ như tiền phẫu thuật, tiền thuốc, … sẽ căn cứ vào hóa đơn thanh toán mà bệnh viện cung cấp cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của họ. Song, cũng có những thiệt hại sẽ rất khó có thể chứng minh, ví dụ như chi phí đi lại để khám chữa bệnh bằng phương tiện xe ôm sẽ rất khó để đưa ra cơ sở chính xác, bởi những người hành nghề xe ôm thường là lao động tự do nên không có hóa đơn hoặc phiếu thu giao cho hành khách. Đối với những trường hợp này, việc xác định thiệt hại sẽ do Hội đồng xét xử đưa ra trên cơ sở đánh giá sự hợp lý của các loại chi phí.

Khoản tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần mà người bị thiệt hại hoặc thân nhân người bị thiệt hại phải gánh chịu. Đây là loại thiệt hại không thể xác định cụ thể bằng các đơn vị đo lường, nên sẽ rất khó khăn khi xác định. Thiệt hại về tinh thần lớn hay nhỏ đôi khi không phụ thuộc vào mức thiệt hại về vật chất nhiều hay ít, mức tổn hại sức khỏe lớn hay nhỏ. Có thể người bị thiệt hại về sức khỏe bị tổn hại sức khỏe rất ít, nhưng lại phải gánh chịu sự tổn hại về tinh thần rất lớn. Do đó, khi xác định mức tổn hại về tinh thần phải căn cứ vào sự ảnh hưởng của hành vi xâm phạm sức khỏe tới đời sống tinh thần của người bị thiệt hại sau khi chữa lành vết thương. Loại thiệt hại này thường được xác định theo sự thỏa thuận của các bên, nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định nhưng không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á (BEALAW) về: Bồi thường thiệt hại về sức khỏe theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hồ trợ pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay 0941.776.999hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *