Quý khách muốn tìm hiểu về vấn đề: Các hình thức đầu tư theo luật Đầu tư vui lòng tham khảo bài viết dưới đây hoặc liên hệ theo số điện thoại 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí và hỗ trợ các thủ tục pháp lý một cách nhanh nhất.
Đầu tư là gì?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về khái niệm đầu tư. Theo cách hiểu thông thường, đầu tư có thể hiểu là hoạt động sử dụng vốn, sử dụng các nguồn lực nhằm mang đến các hiệu quả kinh tế hoặc sản sinh ra một số lãi nhất định.
Tại khoản 8 điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”.
Các hình thức đầu tư
Hiện nay, các hình thức đầu tư đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư rất đa dạng. Điều 21, luật Đầu tư 2020 có quy định về các hình thức đầu tư. Cụ thể là:
“Điều 21. Hình thức đầu tư
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
3. Thực hiện dự án đầu tư.
4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ”
a) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Điều 22, luật Đầu tư 2020 quy định cụ thể về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế như sau:
1. Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:
a) Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;
b) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
c) Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo đó, nhà đầu tư được thực hiện hình thức thành lập tổ chức kinh tế bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, nhà đầu tư trong nước thành lập các tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
– Hình thức đầu tư;
– Phạm vi hoạt động đầu tư;
– Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
– Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
b) Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Các nhà đầu tư có thể đầu tư bằng cách góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế bằng các hình thức sau:
– Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần
– Góp vốn vào công ty TNHH hoặc công ty hợp danh
– Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác
Nhà đầu tư được mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế bằng các hình thức sau:
– Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông
– Mua phần vốn góp của thành viên công ty TNHH để trở thành thành viên của công ty TNHH
– Mua phần vốn góp của thành viên công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh
– Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác
c) Thực hiện dự án đầu tư
Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
– Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
– Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 điều 29 luật Đầu tư 2020
Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư được thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp sau đây:
– Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật và đất đai;
– Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao;
– Trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.
d) Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Hợp đồng BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Hợp đồng BCC kí kết giữa các nhà đầu tư trong nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại điều 38 luật Đầu tư 2020
Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á (BEALAW) về: Các hình thức đầu tư theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hồ trợ pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí.
Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý tận tâm; nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, Luật Đại Đông Á (BEALAW) tự tin có thể giải đáp các vấn đề DÂN SỰ, HÌNH SỰ, HÔN NHÂN GIA ĐÌNH, LAO ĐỘNG, KINH DOANH THƯƠNG MẠI và các vấn đề pháp lý khác.