Các quy định pháp luật về “ngày đèn đỏ” đối với người lao động nữ

“Ngày đèn đỏ” là một ngày tương đối nhạy cảm đối với phụ nữ. Nhằm chăm sóc, vào vệ sức khỏe cho người lao động nữ, pháp luật Lao động đã quy định riêng về chế độ nghỉ ngơi, tiền lương trong ngày đèn đỏ. Cụ thể như sau:

1. Thời gian nghỉ chế độ ngày đèn đỏ

Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút.

Cụ thể hóa vấn đề trên, Khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã quy định như sau:

– Về số ngày nghỉ: Trong những ngày đèn đỏ, lao động nữ có quyền được nghỉ 30 phút/ngày với số ngày do thỏa thuận nhưng tối thiểu là 03 ngày/tháng. Việc thỏa thuận về số ngày nghỉ đèn đỏ giữa lao động nữ và người sử dụng lao động phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của người lao động.

– Thời điểm nghỉ: Thời điểm nghỉ chế độ ngày đèn đỏ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động. 

Người lao động có thể xin đi muộn hoặc về sớm 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh cho thuận tiện việc đi lại làm việc hoặc nghỉ giữa giờ làm việc nếu tình trạng sức khỏe không đảm bảo.

Theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 80 Nghị định 145: trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của người lao động đó.

2. Tiền lương chế độ nghỉ ngày đèn đỏ

Theo quy định hiện hành, quyền lợi về tiền lương của chế độ nghỉ ngày đèn đỏ được xác định như sau:

– Lao động nữ nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh: Theo khoản 4 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời giờ nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương. Vì vậy, người lao động vẫn được nhận nhận đủ lương của ngày làm việc đó mà không phải làm bù cho thời gian đã nghỉ.

– Lao động nữ không nghỉ trong thời gian hành kinh mà làm đủ số giờ làm việc mỗi ngày: Theo điểm c khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để làm việc thì ngoài tiền lương của ngày làm việc đó, người lao động còn được trả thêm tiền lương tương ứng với khoản tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian đáng lẽ được nghỉ.

3. Công ty vi phạm chế độ nghỉ ngày đèn đỏ bị phạt thế nào?

Hiện nay có 02 vi phạm phổ biến nhất liên quan đến chế độ nghỉ ngày đèn đỏ mà nhiều công ty đang mắc phải đó là:

– Không cho người lao động nghỉ ngày đèn đỏ; hoặc/và

– Không trả thêm tiền lương cho người lao động làm đủ số giờ của những ngày đèn đỏ.

Người sử dụng lao động mắc phải các lỗi trên đều sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực lao động như sau:

Trường hợp người sử dụng lao độngkhông trả đủ thêm tiền lương cho người lao động nữ không nghỉ ngày đèn đỏ(theo điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP) thì bị phạt từ 05 đến 10 triệu đồng.

– Trường hợp người sử dụng lao động không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác (theo điểm d khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP) thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng

Đồng thời, người sử dụng lao động buộc phải trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh.

Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á (BEALAW) về: Các quy định pháp luật về “ngày đèn đỏ” đối với người lao động nữ theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hồ trợ pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí. 

Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý tận tâm; nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, Luật Đại Đông Á (BEALAW) tự tin có thể giải đáp các vấn đề DÂN SỰ, HÌNH SỰ, HÔN NHÂN GIA ĐÌNH, LAO ĐỘNG, KINH DOANH THƯƠNG MẠI và các vấn đề pháp lý khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *