Các trường hợp cấm kết hôn theo quy định mới nhất

Quý khách muốn tìm hiểu về vấn đề: Các trường hợp cấm kết hôn theo quy định mới nhất vui lòng tham khảo bài viết dưới đây hoặc liên hệ theo số điện thoại 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí và hỗ trợ các thủ tục pháp lý một cách nhanh nhất.

Theo Điều 16 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) thì nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam và nữ có quyền bình đẳng trong việc kết hôn, trong thời gian chung sống và khi ly hôn. Đồng thời, Khoản 2 Điều 23 Công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) khẳng định: “Quyền kết hôn và lập gia đình của nam và nữ đến tuổi kết hôn phải được thừa nhận”. Như vậy, khi đến tuổi thì nam và nữ được kết hôn và lập gia đình một cách tự do, tự nguyện.

Tuy nhiên, việc “tự do kết hôn” vẫn được đặt trong một khuôn khổ nhất định. Theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên có đủ năng lịch hành vi dân sự, tự nguyện kết hôn và không vi phạm các điều cấm sau đây thì đủ điều kiện kết hôn. Các điều cấm được quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể:

– Thứ nhất, kết hôn giả tạo: Kết hôn giả tạo là việc hai người nam, nữ đồng ý kết hôn theo những thỏa thuận hoặc theo một hợp đồng nào đó được che giấu đằng sau nhằm thực hiện những mục đích nào đó. Ví dụ: lợi dụng việc kết hôn giả tạo để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình,….

– Thứ hai, tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn:

Tảo hôn là việc kết hôn mà một trong hai bên nam, nữ hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định (nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi). Trước khi đủ tuổi kết hôn, thể chất và tâm lý của cá nhân chưa hoàn thiện việc phát triển, do đó, pháp luật quy định cấm kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn là hoàn toàn hợp lý.

Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn dù họ không muốn.

Lừa dối kết hôn là việc một bên có hành vi cố ý làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của quan hệ đó, có thể là bằng lời nói, sử dụng các phương tiện kết hợp hành vi gây hiểu sai lệch cho đối phương.

Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

– Thứ ba, người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Quy định này đảm bảo nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng trong chế độ hôn nhân ở Việt Nam. Theo đó, chỉ người chưa có vợ, có chồng hoặc đã có vợ, có chồng nhưng đã ly hôn theo quyết định hoặc bản án có hiệu lực của Tòa án thì mới được phép kết hôn. Các trường hợp vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

– Thứ tư, kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Pháp luật quy định như vậy bởi lẽ các nhà nghiên cứu y học đã chỉ rõ việc kết hôn gần gũi về huyết thống trong phạm vi trực hệ hoặc ba đời sẽ để lại nhiều di chứng cho thế hệ đời sau (bị mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, tỷ lệ tử vong cao,…) điều này làm suy giảm giống nòi, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Do đó quy định cấm kết hôn giữa những người có mối liên hệ huyết thống trong phạm vi ba đời là hoàn toàn cần thiết.

Đối với trường hợp cấm kết hôn giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng, mặc dù việc kết hôn của những người này không gây hậu quả cho thế hệ đời sau trên phương diện y học, nhưng lại vi phạm đạo đức, trái với truyền thống văn hóa coi trọng tôn ti trật tự, con cái hiếu kính với cha mẹ. Do vậy, trường hợp này cũng bị pháp luật cấm kết hôn.

Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á (BEALAW) về: Các trường hợp cấm kết hôn theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hồ trợ pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí. 

Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý tận tâm; nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, Luật Đại Đông Á (BEALAW) tự tin có thể giải đáp các vấn đề DÂN SỰ, HÌNH SỰ, HÔN NHÂN GIA ĐÌNH, LAO ĐỘNG, KINH DOANH THƯƠNG MẠI và các vấn đề pháp lý khác.

Xem thêm:

One thought on “Các trường hợp cấm kết hôn theo quy định mới nhất

  1. Pingback: Sống chung mà không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật? – BEALAW

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *