Cần làm gì khi người sử dụng lao động không trả trợ cấp thôi việc

Trong nhiều trường hợp, dù hai bên (người lao động và người sử dụng lao động) chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy định của pháp luật, nhưng người sử dụng lao động tìm lý do, chậm trễ không trả trợ cấp thôi việc. Trong trường hợp này, người lao động cần giải quyết như thế nào?

1. Các trường hợp người lao động được nhận trợ cấp thôi việc

Theo quy định của pháp luật, khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc.

Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP: Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động, trừ các trường hợp:

– Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Bộ luật Lao động.

Vậy, các trường hợp người lao động được nhận trợ cấp thôi việc bao gồm:

– Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động (quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này).

– Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

– Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

– Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

– Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.

– Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.

2. Nếu người sử dụng lao động không trả tiền trợ cấp thôi việc, thì sẽ bị xử phạt như nào?

Vậy,trường hợp người lao động đáp ứng đủ điều kiện nhận trợ cấp thôi việc và không thuộc một trong các trường hợp không được nhận trợ cấp thôi việc, mà người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền:

– Vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động: phạt tiền từ 01-02 triệu đồng đồng đối với vi phạm từ;

– Vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động: phạt tiền từ 02-05 triệu đồng;

– Vi phạm từ 51người đến 100 người lao động: phạt tiền từ 05-10 triệu đồng;

– Vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động: phạt tiền từ 10-15 triệu đồng;

– Vi phạm từ 301 người lao động trở lên: phạt tiền từ 15-20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể bị buộc phải trả đủ tiền trợ cấp thôi việc cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

3. Cần làm gì khi người sử dụng lao động không trả trợ cấp thôi việc

Trường hợp NSDLĐ không trả trợ cấp thôi việc, người lao động có thể đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình bằng một trong ba cách sau:

Cách 1: Khiếu nại

Theo Điều 5, Điều 15 và Điều 19 Nghị định 24/2018/NĐ-CP người lao động thực hiện khiếu nại theo trình tự, thủ tục như sau:

– Người lao động khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có thời gian 07 ngày làm việc để thụ lý khiếu nại. Thời hạn giải quyết không quá 30 ngày hoặc 45 ngày (vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.

Nếu quá thời hạn trên mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết của phía công ty, người lao động có thể khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

– Trường hợp người sử dụng lao động không giải quyết khiếu nại lần một, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu người lao động khiếu nại lần hai tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở chính.

Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc. Thời hạn giải quyết: 45 ngày hoặc 60 ngày (vụ việc phức tạp), kể từ ngày thụ lý.

Nếu không được giải quyết đúng hạn hoặc không đồng ý với việc giải quyết của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, người lao động có thể khởi kiện tới Tòa án.

Cách 2: Tố cáo

Người lao động có thể tố cáo vi phạm của công ty đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Theo Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể gửi đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp với Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, kèm theo đó là các bằng chứng vi phạm của công ty.

Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

Trong quá trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xử lý khiếu nại, tố cáo mà xác minh có hành vi vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời còn phải giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Cách 3: Giải quyết theo tranh chấp lao động

Căn cứ quy định tại Điều 187 Bộ luật Lao động 2019, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm: Hòa giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động; và Tòa án nhân dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *