Chương trình vay vốn đi xuất khẩu lao động tại Ngân hàng chính sách xã hội

Tại Hướng dẫn 7886/NHCS-TDNN ngày 24/10/2019, Ngân hàng chính sách xã hội đã hướng dẫn cụ thể chương trình vay vốn đi xuất khẩu lao động được Ngân hàng chính sách xã hội như sau:

Thứ nhất, về đối tượng được vay vốn đi xuất khẩu lao động tại Ngân hàng chính sách xã hội, bao gồm:

– Người thuộc hộ nghèo;

– Người thuộc hộ cận nghèo;

– Người dân tộc thiểu số;

– Thân nhân của người có công với cách mạng;

– Người lao động bị thu hồi đất gồm:

+ Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được Nhà nước giao đất nông nghiệp theo quy định (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi;

+ Người hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở.

– Người lao động tại các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ hai, điều kiện cho vay

Đối tượng vay vốn phải có đủ các điều kiện sau:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Cư trú hợp pháp tại địa phương;

– Có nhu cầu vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và của Ngân hàng chính sách (nếu có);

– Người thuộc trường hợp bị thu hồi đất thì phải có Quyết định thu hồi đất trong vòng 05 năm kể từ ngày có Quyết định thu hồi đất;

– Người lao động tại các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có hộ khẩu thường trú từ đủ 12 tháng trở lên tại các huyện nghèo và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc và đã ký hợp đồng với Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ ba, mức vay, lãi suất vay và thời gian vay vốn

Về mức vay: Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa người lao động và Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Về lãi suất vay: Lãi suất cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng lãi suất cho vay vốn đối với hộ nghèo là 6,6%/năm.

Riêng người lao động tại các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động thuộc hộ nghèo hoặc người dân tộc thiểu số được vay vốn với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức 3,3%/năm

Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Về thời hạn cho vay vốn: Thời hạn cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ tư, hồ sơ vay vốn

– Giấy đề nghị vay vốn theo Mẫu số 01/LĐNN;

– Bản sao có chứng thực Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân;

– Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn thời hạn của người lao động;

– Bản sao có chứng thực hợp đồng ký kết giữa người lao động với Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Văn bản ủy quyền của người lao động Mẫu số 03/LĐNN;

– Hợp đồng thỏa thuận về việc chuyển tiền lương của người lao động để trả nợ, trả lãi tiền vay Mẫu số 07/LĐNN đối với trường hợp người lao động được Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quản lý tiền lương;

– Đối với khách hàng vay vốn là thân nhân của người có công với cách mạng: nộp bản sao có chứng thực Giấy xác nhận thân nhân người có công với cách mạng;

– Đối với khách hàng thuộc đối tượng bị thu hồi đất: nộp Bản sao có chứng thực Quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền;

– Các giấy tờ chứng minh về tài sản bảo đảm trong trường hợp khoản vay phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Thứ năm, trình tự, thủ tục vay vốn

Bước 1: Đối tượng vay vốn nộp hồ sơ vay vốn

Bước 2: Thẩm định hồ sơ vay vốn

Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ vay vốn, ngân hàng chính sách xã hội thực hiện kiểm tra, đối chiếu, thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của đối tượng vay vốn, hồ sơ vay vốn.

Trường hợp không phê duyệt thì thông báo từ chối cho vay trong đó ghi rõ lý do từ chối gửi đến khách hàng vay vốn.

Trường hợp phê duyệt cho vay thì gửi thông báo kết quả phê duyệt cho vay đến khách hàng vay vốn.

Bước 3: Ký kết hợp đồng vay vốn

Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay và đối tượng vay vốn ký Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm tiền vay và thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay (nếu có) theo quy định của pháp luật và quy định của ngân hàng.

Bước 4: Giải ngân vốn vay

Trước khi giải ngân vốn vay, khách hàng được hướng dẫn mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng nơi cho vay.

Thứ năm, biện pháp bảo đảm tiền vay vốn

– Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, khách hàng vay vốn phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và theo văn bản hướng dẫn bảo đảm tiền vay của Ngân hàng chính sách.

– Người lao động tại các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Đại Đông Á về vấn đề “Chương trình vay vốn đi xuất khẩu lao động tại Ngân hàng chính sách xã hội”. Mọi thắc mắc xin liên hệ qua SĐT/Zalo 0941.776.999 – 0888.695.000 để được tư vấn và hỗ trợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *