Quý khách muốn tìm hiểu về vấn đề: Hành hạ, đánh đập vật nuôi: xử phạt vi phạm như thế nào? vui lòng tham khảo bài viết dưới đây hoặc liên hệ theo số điện thoại 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí và hỗ trợ các thủ tục pháp lý một cách nhanh nhất.
Căn cứ theo Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018, từ “vật nuôi” được giải thích như sau:
Vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi. Hoạt động chăn nuôi là nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi và hoạt động khác có liên quan đến vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi phục vụ mục đích làm thực phẩm, khai thác sức kéo, làm cảnh hoặc mục đích khác của con người.
Khoản 4 Điều 69 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi như sau:
Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
– Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi;
– Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh;
– Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y;
– Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Như vậy, theo quy định trên thì chó, mèo,… là vật nuôi, không được đánh đập, hành hạ chó mèo; hành vi đánh đập, hành hạ chó mèo là trái quy định pháp luật.
Vậy trường hợp đánh đập, ngược đãi chó mèo sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ;
+ Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ;
+ Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.
– Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg;
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500 kg;
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500kg đến dưới 1.000 kg;
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000 kg trở lên.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi phá hoại cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.
+ Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ.
Ngoài ra, pháp luật quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc xử lý nhiệt đối với động vật thuộc hành vi bị đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ; trường hợp tái phạm thì buộc tiêu hủy.”
Như vậy, người có hành vi đánh đập, ngược đãi chó mèo thì có thể sẽ bị xử phạt phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Thời hiệu xử phạt về hành vi đánh đập chó mèo là bao lâu?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.”
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh đập chó mèo là 01 năm (theo quy định tại Điều 3 Nghị định 14/2021/NĐ-CP. Trừ trường hợp đánh đập chó mèo trong quá trình nuôi chó mèo làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Hiện nay, có nhiều trường hợp hành hạ, đánh đập thú cưng gây nên hậu quả đáng tiếc. Điều đáng nói, người vi phạm không chỉ có người lớn mà còn có trẻ em- những mầm non tương lai của đất nước. Trước hành vi hành hạ, đánh đập thú cưng của bọn trẻ, bố mẹ chúng thường bênh vực, cho rằng: “có con chó thôi mà cứ làm quá lên”, “mèo không quan trọng bằng người à”,…
Chó, mèo, thú cưng khác cũng cần được trân trọng, được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng. Đặc biệt, qua một thời gian gắn bó thì đối với gia chủ, chúng không chỉ là vật nuôi mà còn là một thành viên nhỏ của gia đình.
Hành vi đánh đập, hành hạ thú cưng là một hành vi tàn ác, dã man, phản ánh phần nào nhân sinh quan của một con người. Bởi vậy, người lớn càng cần giáo dục cho trẻ con – những mầm non tương lai của đất nước, để chúng hiểu được lẽ phải, điều hay, trở thành một người lương thiện, nhân hậu, có ích cho gia đình và xã hội.
Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á (BEALAW) về: Hành hạ, đánh đập vật nuôi: xử phạt vi phạm như thế nào? theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ vấn đề pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí.
LUẬT ĐẠI ĐÔNG Á – GIẢI PHÁP PHÁP LÝ HIỆU QUẢ.