Hết sức cảnh giác: Phụ huynh mất hàng chục triệu đồng khi nhận điện thoại lừa đảo “con đang cấp cứu”

Chỉ vì tiền mà các đối tượng lừa đảo sẵn sàng thực hiện bất kỳ thủ đoạn nào. Mới gần đây, xuất hiện thủ đoạn lừa đảo gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo rằng con họ đang cấp cứu cần một số tiền để phẫu thuật gấp.

Bằng cách lợi dụng sự lo lắng, tâm trạng rối bời, thương con của các nạn nhân, các đối tượng nói rằng là người quen của con họ ở TP.HCM hoặc người đi đường thấy con họ bị tai nạn giúp đưa vào bệnh viện,… yêu cầu họ nhanh chóng gửi tiền nộp viện phí để bác sĩ phẫu thuật.

Nhiều người không giữ được bình tĩnh, không tỉnh táo phát hiện ra vấn đề, hoảng hốt, nóng lòng lo cho con nên chuyển khoản ngày vào số tài khoản của các đối tượng.

Một số trường hợp tinh vi hơn còn có diễn viên quần chúng (bác sĩ, y tá) để tăng độ tin tưởng cho nạn nhân.

Sau khi chuyển tiền, nạn nhân không liên lạc được với đối tượng nữa thì mới vỡ lẽ là mình bị lừa. Nhiều trường hợp tương tự, không gọi điện thoại, nhưng nhắn tin vào số điện thoại phụ huynh giả danh con họ nói bị mất điện thoại, hoặc bị tai nạn,… và nói rằng chuyển vào số tài khoản này cho con gấp.

Một số trường hợp cảnh giác gọi điện thoại cho chính số điện thoại con họ, tuy nhiên trùng hợp không liên lạc được và thế là câu chuyện hợp lý hơn nên người nhà đã “ting ting” liền tay vào số tài khoản của các đối tượng xấu.

Cần làm gì khi nhận được cuộc gọi lừa đảo?

Khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn…,người dân cần làm những việc sau:

Thứ nhất, hết sức bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra thông tin.

Thứ hai, nếu không có căn cứ rõ ràng về việc thu phí của cơ sở khám chữa bện, người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thứ ba, khi bị đối tượng lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất. Người dân cũng có thể liên hệ Trực ban Công an TP (số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp Cơ quan Công an nhanh chóng điều tra, xử lý.

Liên quan đến chiêu trò trên, các bệnh viện, trường học tại TP.HCM đã cảnh báo đến người dân nhằm nâng cao cảnh giác. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, phụ huynh có thể liên hệ đến tổng đài 028.3855.4137, nhấn phím 0 báo tổng đài viên kết nối đến khoa, phòng điều trị có liên quan để xác nhận thông tin người nhà nằm viện. 

Ngoài ra, từ ngày 1/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai thí điểm tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua hai hình thức thoại và tin nhắn. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động.

Mức xử phạt vi phạm hành chính

Trường hợp dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Mức phạt cao nhất cho Hành vi này có thể đến 05 triệu đồng (Điều 15  Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

– Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với tội này là:

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

– Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép;

– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Trách nhiệm hình sự

Trường hợp có đủ các dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

– Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

Mức phạt cao nhất của tội này có thể bị phạt tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2 thoughts on “Hết sức cảnh giác: Phụ huynh mất hàng chục triệu đồng khi nhận điện thoại lừa đảo “con đang cấp cứu”

  1. Pingback: Các địa phương được áp dụng chính sách khen thưởng, hỗ trợ với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi? – BEALAW

  2. Pingback: Doạ ma trẻ em bị phạt đến20 triệu đồng? – BEALAW

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *