Lan truyền thông tin sai lệch: “bắt cóc trẻ em ở Hà Nội”. Trách nhiệm pháp lý phải gánh chịu?

Vừa qua,mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng xuất hiện tình trạng bắt cóc trẻ em trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội. Điều này làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây hoang mang dư luận, đặc biệt là tâm lý của phụ huynh, học sinh tại quận Hoàng Mai.

Thông tin trên xuất phát từ một đoạn tin nhắn dưới dạng cảnh báo, thông báo, được cho là từ trường Tiểu học Tân Định, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, chỉ huy Công an quận Hoàng Mai khẳng đây là thông tin thất thiệt, bịa đặt.

Lãnh đạo công an quận này cho biết những nội dung “cảnh báo” trên là giả mạo. Sau khi xuất hiện thông tin này, lực lượng chức năng đã làm việc với ban giám hiệu trường Tiểu học Tân Định và được phía nhà trường phản hồi là không phát bất kỳ thông báo nào về tình trạng bắt cóc trẻ em.

Công an quận Hoàng Mai cũng đã làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận và nhận được câu trả lời tương tự. Hiện cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ vụ việc và sẽ xử lý nghiêm các đối tượng cố ý đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật.

Vậy, trách nhiệm pháp lý đối với người có hành vi đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật là gì?

Theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, người nào có hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Về trách nhiệm hình sự, người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội sau:

Nếu cá nhân sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo Điều 156 BLHS 2015 với mức phạt tù từ 1-3 năm.

Trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50-200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100-500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015.

Hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có thể bị xử lý về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước theo Điều 117 BLHS 2015.

Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với tổ chức, cá nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí để khắc phục hậu quả, những tổn thất về vật chất và tinh thần đã gây ra đối với tổ chức, cá nhân bị hại.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hồ trợ pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *