1. Sửa đổi nhiều quy định về thuế giá trị gia tăng
Đây là nội dung tại Thông tư 13/2023/TT-BTC sửa đổi Thông tư 219/2013/TT-BTC và sửa đổi Thông tư 80/2021/TT-BTC, có hiệu lực từ 14/04/2023.
Trong đó, sửa đổi nhiều quy định về thuế giá trị gia tăng như sau:
1.1. Sửa đổi giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản:
– Sửa đổi giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại khoản 10 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC, đơn cử như sau:
+ Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
+ Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá.
+ Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng là số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
+ Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng. Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có).
Trường hợp không xác định được giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng bất động sản của các tổ chức, cá nhân đã xác định giá đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP) thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng không bao gồm cơ sở hạ tầng.
Trường hợp không tách được giá trị cơ sở hạ tầng tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.
Hiện hành, trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng (nếu có); cơ sở kinh doanh không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của cơ sở hạ tầng đã tính trong giá trị quyền sử dụng đất được trừ không chịu thuế GTGT.
(Điểm a.4 khoản 10 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC)
+ Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng.
Hiện hành, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân theo hợp đồng chuyển nhượng, sau đó được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng sang thành đất ở để xây dựng chung cư, nhà ở… để bán thì giá đất được trừ khi tính thuế GTGT là giá đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng từ người dân và các chi phí khác bao gồm: khoản tiền sử dụng đất nộp NSNN để chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, thuế thu nhập cá nhân nộp thay người dân có đất chuyển nhượng (nếu các bên có thỏa thuận doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nộp thay).
(Điểm a.6 khoản 10 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC)
…
(Xem thêm quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP)
1.2. Sửa đổi hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư có điều kiện:
Theo đó, hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư có điều kiện từ ngày 14/4/2023 bao gồm:
(1) Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/HT;
(2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư đối với trường hợp phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
(3) Đối với dự án có công trình xây dựng: Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc hợp đồng cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; giấy phép xây dựng;
(4) Bản sao Chứng từ góp vốn điều lệ;
(5) Đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP:
Bản sao một trong các hình thức Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận về kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Hiện nay, điểm a.4 khoản 2 Điều 28 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định các loại giấy tờ tại (5) như sau:
Bản sao Giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định 209/2013/NĐ-CP.
(6) Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-1/HT, trừ trường hợp người nộp thuế đã gửi hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế;
(7) Quyết định thành lập Ban Quản lý dự án, Quyết định giao quản lý dự án đầu tư của chủ dự án đầu tư, Quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh hoặc Ban quản lý dự án đầu tư (nếu chi nhánh, Ban quản lý dự án thực hiện hoàn thuế).
Ngoài ra, Thông tư 13/2023/TT-BTC còn sửa đổi một số điều khoản quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC như sau:
– Sửa đổi giá tính thuế đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại khoản 13 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC: thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP.
– Thay thế quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC bằng nội dung như sau:
Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP.
2. 13 nội dung chi bảo đảm cho công tác kiểm tra hệ thống hóa văn bản QPPL
Thông tư 09/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/4/2023).
Theo đó, 13 nội dung chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
(1) Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp xử lý kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp bàn về kế hoạch kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
(2) Chi công tác phí cho các đoàn công tác thực hiện kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; kiểm tra tình hình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
(3) Chi điều tra, khảo sát thực tế phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
(4) Chi lấy ý kiến chuyên gia:
– Trường hợp văn bản được kiểm tra, rà soát thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp hoặc có dấu hiệu trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp;
– Trường hợp dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; báo cáo tổng rà soát hệ thống văn bản; báo cáo hệ thống hóa văn bản cần phải lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia.
(5) Chi báo cáo (bao gồm cả báo cáo tổng hợp và báo cáo của từng bộ, ngành, tổ chức, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, địa phương, đơn vị) bao gồm:
– Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực;
– Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản định kỳ (5 năm);
– Báo cáo kết quả tổng rà soát hệ thống văn bản;
– Báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hằng năm;
– Báo cáo đột xuất về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
– Báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.
(6) Chi chỉnh lý các loại dự thảo báo cáo tại (5) (trừ báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp).
(7) Chi công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật, kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng.
(8) Chi kiểm tra văn bản quy định tại khoản 2 Điều 106 Nghị định 34/2016/NĐ-CP; rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn;
Rà soát, hệ thống hóa văn bản để thực hiện hệ thống hóa văn bản định kỳ (5 năm); rà soát văn bản khi thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
(9) Chi tổ chức đội ngũ cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản:
– Chi hợp đồng có thời hạn với cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản; chi thù lao cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo hợp đồng khoán việc tính trên số lượng văn bản xin ý kiến;
– Chi thanh toán công tác phí cho cộng tác viên tham gia đoàn kiểm tra theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực.
(10) Chi kiểm tra lại kết quả hệ thống hóa văn bản theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Nghị định 34/2016/NĐ-CP.
(11) Chi xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định tại Điều 178 Nghị định 34/2016/NĐ-CP
– Chi rà soát, xác định văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản để cập nhật, lập hệ cơ sở dữ liệu, làm cơ sở pháp lý phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản;
– Chi tổ chức thu thập, phân loại, xử lý các thông tin, tư liệu, tài liệu, dữ liệu, văn bản, trang bị sách, báo, tạp chí.
(12) Chi cho các hoạt động in ấn, chuẩn bị tài liệu, thu thập các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
(13) Các nội dung chi khác liên quan trực tiếp đến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản:
– Chi tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và đội ngũ cộng tác viên;
– Chi sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản;
– Chi tổ chức hội thi theo ngành, lĩnh vực về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản;
– Chi làm đêm, làm thêm giờ, chi văn phòng phẩm và một số khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản.
(Nguồn: Thư viện pháp luật)