Căn cứ Điều 10 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hợp đồng bảo lãnh người Việt Nam đi xuất khẩu lao động bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
1. Các bên tham gia
a) Bên bảo lãnh là cá nhân hoặc tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật số 69/2020/QH14;
b) Bên được bảo lãnh là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
c) Bên nhận bảo lãnh là doanh nghiệp dịch vụ, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Phạm vi bảo lãnh
Phạm vi bảo lãnh là một phần hoặc toàn bộ những nghĩa vụ sau đây của bên được bảo lãnh:
a) Thanh toán tiền dịch vụ bên được bảo lãnh chưa thanh toán;
b) Thanh toán chi phí bồi thường thiệt hại do bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng gây ra;
c) Thanh toán tiền lãi trong trường hợp chậm thanh toán các khoản tiền thuộc phạm vi bảo lãnh được tính theo lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng do các bên thỏa thuận tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia
a) Quyền của bên bảo lãnh
a1) Được bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh và các bên có liên quan thông tin đầy đủ, chính xác về quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh;
a2) Yêu cầu bên nhận bảo lãnh thông báo về nơi làm việc, tình hình việc làm, thu nhập, sức khoẻ, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt của bên được bảo lãnh;
a3) Yêu cầu bên nhận bảo lãnh thực hiện đúng các cam kết với bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh;
a4) Yêu cầu bồi thường thiệt hại và sử dụng số tiền bồi thường thiệt hại đó để bù trừ nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh (nếu có) trong trường hợp bên nhận bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ nêu tại các điểm d1), d2), d4) và d8) Điều này mà gây thiệt hại cho bên bảo lãnh;
a5) Được bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh thông báo về việc bên được bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh;
a6) Yêu cầu bên nhận bảo lãnh hoàn trả giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh (nếu có) khi hợp đồng bảo lãnh chấm dứt;
a7) Yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
a8) Yêu cầu bên nhận bảo lãnh hoàn trả cho mình tài sản đã nhận hoặc giá trị tương ứng phần nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện trong trường hợp bên được bảo lãnh vẫn thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh.
b) Nghĩa vụ của bên bảo lãnh
b1) Chuyển giao giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của mình và các loại giấy tờ cần thiết khác cho bên nhận bảo lãnh;
b2) Vận động, giáo dục bên được bảo lãnh thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký với bên nhận bảo lãnh; thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, khắc phục thiệt hại do bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng gây ra;
b3) Thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong phạm vi bảo lãnh đã cam kết trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký với bên nhận bảo lãnh;
b4) Giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận bảo lãnh hoặc người thứ ba theo thỏa thuận để xử lý trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh;
b5) Thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh.
c) Quyền của bên nhận bảo lãnh
c1) Yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ;
c2 ) Yêu cầu bên bảo lãnh chuyển giao giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của mình và các loại giấy tờ cần thiết khác;
c3 ) Yêu cầu bên bảo lãnh có các biện pháp vận động, giáo dục bên được bảo lãnh thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh;
c4 ) Yêu cầu bên bảo lãnh đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để xử lý trong trường hợp hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh;
c5) Yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh.
d) Nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh
d1) Thực hiện đúng các cam kết với bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh;
d2) Thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho bên bảo lãnh các quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh;
d3) Thông báo về nơi làm việc, tình hình việc làm, thu nhập, sức khoẻ, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt của bên được bảo lãnh theo yêu cầu của bên bảo lãnh;
d4) Giữ gìn, bảo quản, không làm hư hỏng, mất giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh, nếu các bên có thỏa thuận về việc bên nhận bảo lãnh giữ giấy tờ, tài liệu này. Trong trường hợp làm hư hỏng hoặc mất giấy tờ, tài liệu, bên nhận bảo lãnh phải bồi thường thiệt hại;
d5) Thông báo cho bên bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi phát sinh căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; nếu bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đó thì bên nhận bảo lãnh phải nêu rõ lý do trong thông báo về việc bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn;
d6) Cung cấp cho bên bảo lãnh giấy tờ, tài liệu chứng minh về nghĩa vụ của bên được bảo lãnh trong phạm vi bảo lãnh, thiệt hại do bên được bảo lãnh gây ra;
d7) Thông báo cho bên bảo lãnh về việc bên được bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh;
d8) Hoàn trả giấy tờ, tài liệu chứng minh khả năng tài chính, năng lực, uy tín của bên bảo lãnh (nếu có) khi hợp đồng bảo lãnh chấm dứt;
d9) Thông báo cho bên được bảo lãnh việc bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
4. Chấm dứt bảo lãnh
Bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp theo quy định của pháp luật dân sự về bảo lãnh.
5. Các thỏa thuận khác không trái với quy định của pháp luật.
Thanh lý hợp đồng bảo lãnh người Việt Nam đi xuất khẩu lao động
Căn cứ Điều 11 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh người Việt Nam đi xuất khẩu lao động được quy định như sau:
1. Thời hạn thanh lý hợp đồng bảo lãnh là 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày chấm dứt bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh được lập thành văn bản riêng hoặc ghi chung trong văn bản hủy bỏ việc bảo lãnh hoặc văn bản thỏa thuận chấm dứt bảo lãnh, trong đó ghi rõ mức độ thực hiện những nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo lãnh của các bên, trách nhiệm của các bên (nếu có) do phải thanh lý hợp đồng.
Trên đây là những tư vấn của công ty Luật BEALAW về việc “Nội dung hợp đồng bảo lãnh người Việt Nam đi xuất khẩu lao động.” Mọi thắc mắc cụ thể cần giải đáp, bạn có thể liên hệ đến Luật BEALAW theo các phương thức sau:
Điện thoại (Zalo): 0941.776.999 hoặc 0888.695.000
Website: http://bealaw.com.vn/
Email: bealaw01@gmail.com