Nói xấu sếp có bị đuổi việc hay không?

Hỏi: Tôi và đồng nghiệp có lập nhóm chát để tám chuyện xả stress, không may tin nhắn nhận xét về sếp bị lộ ra và sếp tôi đọc được. Sau đó sếp cho tôi thôi việc vì cho rằng những tin nhắn đó là đang nói xấu mình. Tôi muốn hỏi chỉ vì lí do nói xấu sếp mà tôi bị đuổi việc thì có đúng với quy định của luật lao động không?

Trả lời: Trong môi trường công sở, việc nói xấu đồng nghiệp, đặc biệt là người sếp của mình cũng không phải chuyện hiếm gặp. Việc nói xấu người khác có thể sẽ khiến bạn giải toả tâm lý sau những giờ làm việc căng thẳng nhưng nói xấu người khác lại là hành vi vi phạm văn hoá ứng xử. Tuy nhiên, hành vi này có được coi là căn cứ để sa thải nhân viên hay chưa cần dựa vào quy định của pháp luật về lao động, không thể thực hiện tùy tiện theo cảm xúc cá nhân.

Về việc sa thải nhân viên do nói xấu cấp trên

Sa thải là hình thức kỉ luật nặng nhất đối với người lao động. Căn cứ Điều 125 Bộ luật lao động năm 2019, hình thức này chỉ được áp dụng khi người lao động có các hành vi hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:

– Trộm cắp tại nơi làm việc;

– Tham ô tại nơi làm việc;

– Đánh bạc tại nơi làm việc;

– Cố ý gây thương tích tại nơi làm việc;

– Sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

– Tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

– Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;

– Có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

– Quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

– Bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật;

– Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Như vậy, có thể thấy trường hợp nhân viên nói xấu sếp không thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải (đuổi việc).

Tuy nhiên trong công ty sẽ có những nội quy lao động riêng, chẳng hạn làm việc riêng, nói chuyện riêng trong giờ làm, bạn có thể bị khiển trách hoặc bị phạt theo nội quy làm việc của công ty..

Mặt khác, việc xử lý kỷ luật người lao động còn phải tuân theo trình tự thủ tục pháp luật quy định. Chính vì vậy, việc trực tiếp gửi quyết định sa thải cho người lao động có hành vi nói xấu cấp trên là hành vi trái pháp luật. Trường hợp này, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

(Ảnh minh họa)

Đòi lại quyền lợi khi bị sa thải trái luật

Cách 1: Khiếu nại tới người có thẩm quyền

– Khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động.

Nếu không được giải quyết đúng thời hạn, bạn có thể khiếu nại lần hai hoặc trực tiếp khởi kiện tại Tòa án.

– Khiếu nại lần hai tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở chính.

Căn cứ theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP

Cách 2: Hòa giải

Cách này được thực hiện thông qua Hòa giải viên lao động hoặc Hội đồng trọng tài lao động. Tuy nhiên cách này thường không được các bên ưu tiên lựa chọn.

Cách 3: Khởi kiện tại Tòa án

Ngoài hai cách nói trên, bạn cũng có thể trực tiếp khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự về hành vi sa thải trái pháp luật của người sử dụng lao động tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.


Quyền lợi được hưởng khi bị sa thải trái luật

Việc tự ý sa thải người lao động do nói xấu cấp trên được coi là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Do đó, căn cứ theo Điều 41 Bộ luật lao động năm 2019, bạn có thể yêu cầu hưởng các quyền lợi sau:

– Về việc làm: 

Công ty phải nhận bạn trở lại làm việc.

– Tiền lương những ngày phải nghỉ làm: 

Nếu phải nghỉ việc do bị sa thải, bạn sẽ nhận được tiền lương theo hợp đồng lao động cho những ngày không được làm việc.

– Được truy đóng bảo hiểm xã hội:

Công ty sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày bạn không được làm việc.

– Bồi thường tiền:

Khi nhận bạn trở lại làm việc, công ty còn phải bồi thường cho bạn ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp công ty không muốn nhận bạn trở lại làm việc và bạn đồng ý thì bạn sẽ được bồi thường ít nhất 04 tháng tiền lương theo hợp đồng.

– Trợ cấp thôi việc nếu nghỉ việc:

Nếu bạn không trở lại làm việc thì công ty còn phải chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn để chấm dứt hợp đồng lao động.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về việc nhân viên nói xấu sếp có bị đuổi việc không.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, xin quý độc giả vui lòng liên hệ: 

0941776999 hoặc 0888695000 để được hỗ trợ miễn phí

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI ĐÔNG Á

Email: bealaw01@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *