Quyền được sống là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm, và được pháp luật hình sự bảo vệ. Dù nạn nhân là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng dẫn đến trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội nhưng người phạm tội cũng không có quyền tước đoạt tính mạng của họ. Vậy, Bộ luật hình sự hiện hành có quy định về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như thế nào? Hãy cùng Luật Đại Đông Á tìm hiểu, phân tích về vấn đề này theo bài viết dưới đây.
Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định trong Bộ luật hình sự như sau:
Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
“1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.”
Cấu thành tội phạm của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh gồm:
Mặt khách thể của tội phạm:
– Khách thể của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh đó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.
– Đối tượng tác động trực tiếp của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là những người đang sống, tồn tại trong thế giới khách quan là thực thể tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, đối tượng của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không phải bất kỳ ai mà chỉ có người thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng xâm hại đến lợi ích của người phạm tội, hoặc người thân thích của họ mới là đối tượng tác động của loại tội này.
Việc xác định đúng khách thể và đối tượng tác động của tội phạm nói chung và tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tội danh, xử lý tội phạm phù hợp với mức độ phạm tội.
Mặt khách quan của tội phạm:
– Hành vi khách quan của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Đó là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ, bao gồm đâm, chém, bắn, đấm đá, bóp cổ…
Tuy nhiên, hành vi tước đoạt trái pháp luật tinh mạng của người khác chỉ được coi là hành vi khách quan của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Thứ nhất, người phạm tội phải thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Trường hợp này, người bị kích động về tinh thần là người tuy không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Lúc đó họ có thể mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, trạng thái tinh thần của họ có thể bức xúc, uất ức. Mặc dù vậy, trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước; trạng thái tinh thần bị kích động ở những mức độ khác nhau.
Trường hợp người phạm tội có bị kích động về tinh thần những chưa tới mức mất khả năng tự chủ, khả năng kiểm soát hành vi thì không gọi là bị kích động mạnh và không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại Điều 125 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, trường hợp này họ có thể được giảm nhẹ TNHS theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, đó là “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần hoặc do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra”.
+ Thứ hai, người phạm tội ban đầu không chủ định thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác mà hành vi này chỉ được người phạm tội thực hiện trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân của người phạm tội gây nên. Theo đó, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đã xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc đối với những người thân thích của người phạm tội, đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, cũng như hành vi của người phạm tội. Hành vi trái pháp luật của nạn nhân phải là hành vi mang tính chất nghiêm trọng, nếu là hành vi trái pháp luật nhưng chưa đến mức nghiêm trọng thì không cấu thành tội phạm này.
+ Thứ ba, đối tượng mà hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân hướng đến có thể là đối với chính người phạm tội hoặc có thể là đối với người thân thích của người đó. Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì những người thân thích của người phạm tội có thể hiểu là vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột … của người phạm tội.
– Hậu quả của hành vi: Hậu quả mà hành vi phạm tội có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra là thiệt hại đến quyền sống của con người, thể hiện dưới dạng thiệt hại về thể chất là chết người.
– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả: Theo quy định tại Điều 125 BLHS năm 2015, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là tội phạm có cấu thành vật chất nên hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Do đó, một người chỉ phải chịu TNHS về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nếu giữa hành vi khách quan và hậu quả chết người đó có mối quan hệ nhân quả với nhau.
– Ngoài ra còn có các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội như: công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian phạm tội … những dấu hiệu này không được quy định là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Nhưng việc xác định có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Mặt chủ quan của tội phạm:
– Lỗi trong cấu thành tội phạm của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định là dấu hiệu bắt buộc. Lỗi ở đây có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.
Theo đó, khi thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp thi lý trí của người phạm tội biểu hiện như sau: Người phạm tội thấy rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó. Người phạm tội thấy trước tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và sự nhận thức được tính chất gây thiệt hại cho xã hội của hành vi đang thực hiện trên cơ sở nhận thức được những tinh tiết khách quan của nó. Người phạm tội thấy trước hậu quả của hành vi và sự dự kiến của người phạm tội về sự phát triển của hành vi đó.
Ngược lại, trong trường hợp người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý gián tiếp thì lý trí của họ biểu hiện như sau: Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước hậu quả có thể xảy ra. Người phạm tội không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
– Về động cơ phạm tội: Động cơ phạm tội của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có thể người phạm tội chỉ mong muốn trút bỏ được cơn thù tức do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với mình hoặc người thân thích của mình. Trong hoàn cảnh đó, họ không tự chủ được bản thân và không điều khiển được hành vi của mình nên đã dẫn tới hành vi phạm tội. Tuy nhiên, dấu hiệu động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Mặt chủ thể của tội phạm:
– Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh đòi hỏi người phạm tội cũng phải là người có năng lực TNHS, tức là khi thực hiện hành vi phạm tội họ có khả năng nhận thức được hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác là nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật ngăn cấm và họ có khả năng điều khiển, kiềm chế hành vi của mình để không thực hiện hành vi nguy hiểm đó nhưng họ vẫn thực hiện hành vi phạm tội.
– Bên cạnh đó, chủ thể của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh cũng phải là người đạt tới độ tuổi luật định (Điều 12 BLHS). Căn cứ vào quy định trên thì chủ thể của tội giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là người có năng lực TNHS và từ đủ 16 tuổi trở lên.
Hình phạt của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
– Điều 125 BLHS quy định 2 khung hình phạt:
+ Khung hình phạt cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 125 với mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt này được áp dụng cho trường hợp giết 01 người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
+ Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm quy định tại khoản 2 của Điều luật được áp dụng cho trường hợp giết từ 02 người trở lên trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Đối với trường hợp này, người phạm tội sẽ bị truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 125 BLHS nếu đáp ứng các điều kiện, bao gồm: Về hậu quả phải có từ 02 người chết trở lên, đồng thời, lỗi của người phạm tội trong trường hợp này phải là lỗi cố ý đối với việc gây ra cái chết của các nạn nhân.
– Trường hợp người phạm tội giết từ 02 người trở lên nhưng chỉ có một người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, còn những người khác không có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, thì người phạm tội bị truy cứu TNHS về hai tội: Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 125 BLHS và tội giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS.
– Trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây ra hậu quả chết 01 người còn vô ý đối với cái chết của người khác thì không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “giết từ 02 người trở lên” mà bị truy cứu TNHS về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 125 BLHS và tội vô ý làm chết người.
– Trường hợp nhiều người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, nhưng chỉ có một người bị giết chết, còn những người khác chỉ bị thương và có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu TNHS về hai tội, đó là tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại Điều 135 BLHS.
Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á về: “Tội hành hạ người khác theo Bộ luật hình sự mới nhất“ theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay Luật sư tư vấn miễn phí. Luật sư chuyên nghiệp, tư vấn miễn phí – 0941.776.999 hoặc 0888.695.000