Thủ tục đăng ký dịch vụ lữ hành

Hiện nay, sau thời kỳ ngành du lịch “đóng cửa” bởi dịch Covid-19, hoạt động du lịch diễn ra ngày càng sôi nổi không chỉ tại Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đó dẫn đến sự cần thiết của các công ty du lịch kinh doanh dịch vụ lữ hành. Vậy thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Đại Đông Á tìm hiểu về thủ tục này

I. Cơ sở pháp lý

– Luật Du lịch năm 2017;

– Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

– Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

– Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều Luật Du lịch;

– Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL sửa đổi Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL hướng dẫn Luật Du lịch;

– Thông tư 33/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.

II. Nội dung tư vấn

1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành là gì?

Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Kinh doanh dịch vụ lữ hành là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, cá nhân hoặc tổ chức muốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành tiến hành hai thủ tục đó là: Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành

2.1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

– Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;

– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành, trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

2.2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

– Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;

– Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành, trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau:

1. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.

2. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

a) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng;

b) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng;

c) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 1 Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành được thực hiện đến hết ngày 31/12/2023 như sau:

“1. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng.

2. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

a) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng;

b) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng;

c) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng”.”

(Tức là từ 01/01/2024, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP).

3. Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh Lữ hành

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Trường hợp 1: Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh Lữ hành nội địa

– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;

– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;

– Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;

– Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Mẫu số 04 Phụ lục II Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL

Trường hợp 2: Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh Lữ hành quốc tế

– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;

– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

– Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;

– Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;

– Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Mẫu Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành

Bước 2: Nộp hồ sơ

– Đối với doanh nghiệp đăng ký giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa: Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ tới cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở.

– Đối với doanh nghiệp đăng ký giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế: Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch.

Bước 3: Thẩm định và cấp Giấy phép

– Đối với giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Đối với giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 4: Nộp phí, lệ phí cấp giấy phép

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Đại Đông Á về “Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành”. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ hotline 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được tư vấn và thực hiện!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *