Quý khách muốn tìm hiểu về vấn đề: Thủ tục khai nhận di sản thừa kế là nhà đất mới nhất 2023 vui lòng tham khảo bài viết dưới đây hoặc liên hệ theo số điện thoại 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí và hỗ trợ các thủ tục pháp lý một cách nhanh nhất.
1. Căn cứ pháp lý
Luật Công chứng 2014.
2. Trường hợp có quyền khai nhận di sản thừa kế
Khoản 1 Điều 58 Luật Công chứng 2014 quy định về trường hợp công chứng văn bản khai nhận di sản như sau: “Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.”
Theo đó, việc khai nhận di sản thừa kế là nhà đất chỉ xảy ra trong 02 trường hợp:
– Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật.
– Những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó.
3. Hồ sơ công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế
Người yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế có quyền lựa chọn 1 trong 2 đơn vị sau:
– Phòng công chứng của Nhà nước.
– Văn phòng công chứng tư.
Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
– Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu).
– Bản sao giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng (Giấy chứng nhận kết hôn, nếu kết hôn trước ngày 03/01/1987 thì không bắt buộc phải có giấy đăng ký kết hôn mà sử dụng các giấy tờ khác chứng minh mối quan hệ hôn nhân thực tế; Giấy khai sinh; Quyết định nhận con nuôi;…)
– Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết; giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu có)…
– Các giấy tờ nhân thân: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu… của người khai nhận di sản thừa kế.
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng).
– Hợp đồng ủy quyền (nếu có trong trường hợp nhiều người được nhận thừa kế nhưng không chia di sản),…
– Dự thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có).
4. Thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu công chứng
Sau khi nhận hồ sơ, công chứng viên sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra:
– Nếu hồ sơ đầy đủ: Công chứng viên tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
– Nếu hồ sơ chưa đầy đủ: Công chứng viên hướng dẫn và yêu cầu bổ sung.
– Nếu hồ sơ không có cơ sở để giải quyết: Công chứng viên giải thích lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Bước 2: Niêm yết việc thụ lý văn bản khai nhận di sản
Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi người để lại di sản thường trú cuối cùng và nơi có nhà đất (nếu không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó).
Nội dung niêm yết phải nêu rõ các nội dung sau:
– Họ, tên người để lại di sản;
– Họ, tên của những người khai nhận di sản;
– Quan hệ của những người khai nhận di sản với người để lại di sản;
– Danh mục di sản thừa kế.
Đặc biệt, trong thông báo niêm yết phải ghi rõ:
Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản, bỏ sót người thừa kế, di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó phải gửi cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện niêm yết
Sau 15 ngày niêm yết, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết.
Bước 3: Hướng dẫn ký văn bản khai nhận di sản
Sau khi nhận được niêm yết mà không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức hành nghề công chứng thực hiện giải quyết hồ sơ:
– Nếu đã có dự thảo văn bản khai nhận: Công chứng viên kiểm tra các nội dung trong văn bản đảm bảo không có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội…
– Nếu chưa có dự thảo: Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người khai nhận di sản. Sau khi soạn thảo xong, người thừa kế đọc lại nội dung, đồng ý và sẽ được công chứng viên hướng dẫn ký vào Văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Bước 4: Ký chứng nhận và trả kết quả
Công chứng viên yêu cầu người thừa kế xuất trình bản chính các giấy tờ đã nêu ở trên để đối chiếu trước khi ký xác nhận vào lời chứng và từng trang của văn bản khai nhận này.
Sau khi ký xong sẽ tiến hành thu phí, thù lao công chứng, các chi phí khác và trả lại bản chính văn bản khai nhận cho người thừa kế.
Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á (BEALAW) về Thủ tục khai nhận di sản thừa kế là nhà đất mới nhất 2023 theo quy định pháp luật mới nhất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hồ trợ pháp lý khác; vui lòng liên hệ ngay 0941.776.999 hoặc 0888.695.000 để được Luật sư tư vấn miễn phí.
Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý tận tâm; nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, Luật Đại Đông Á (BEALAW) tự tin có thể giải đáp các vấn đề DÂN SỰ, HÌNH SỰ, HÔN NHÂN GIA ĐÌNH, LAO ĐỘNG, KINH DOANH THƯƠNG MẠI và các vấn đề pháp lý khác.
>> Xem thêm:
- Trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định mới nhất
- Thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn mới nhất
- Thủ tục yêu cầu Tòa án xác nhận cha, mẹ cho con mới nhất
Pingback: Điều khiển xe máy, ô tô khi chưa đủ tuổi bị xử phạt như thế nào? – BEALAW