Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự bị xử lý thế nào?

Thế nào là cưỡng đoạt tài sản?

Theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cưỡng đoạt tài sản được hiểu là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Mức phạt hành chính đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản

Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm trên còn bị buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.

Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự bị xử lý thế nào?

Theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) người nào có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt như sau:

* Khung 1:

Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

* Khung 2:

Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Có tổ chức;

– Có tính chất chuyên nghiệp;

– Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

– Tái phạm nguy hiểm.

* Khung 3:

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

* Khung 4:

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

* Hình phạt bổ sung:

Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tội cưỡng đoạt tài sản có được hưởng án treo?

Khi phạm tội cưỡng đoạt tài sản nếu muốn được hưởng án treo thì cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cụ thể như sau:

– Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

– Có nhân thân tốt.

– Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

– Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

– Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trên đây là tư vấn của Luật Đại Đông Á về vấn đề “Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự bị xử lý thế nào?”

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác. Quý khách vui lòng liên hệ để được tư vấn:

“LUẬT TNHH ĐẠI ĐÔNG Á – GIẢI PHÁP PHÁP LÝ HIỆU QUẢ”

 Điện thoại (Zalo): 0941.776.999 hoặc 0888.695.000

Website: http://bealaw.com.vn/

Email: bealaw01@gmail.com

🏢Địa chỉ: Số 58, đường 01, Khu Sunrise C, KĐT The Manor Central Park, Nguyễn Xiển, Đại Kim, Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *